Anh Trần Xuân Điệp (SN 1981, xóm Tân Dân, xã Nam Mỹ, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) đang sở hữu vườn đào thế được cho là đẹp nhất Thành Nam. Đây là vườn đào thế có tuổi đời vài chục năm tuổi, được anh kỳ công chăm sóc suốt một năm trời.
Cách đây khoảng 2 tuần, anh Điệp thuê thêm người phụ mình tuốt lá. Năm nay tuốt đào muộn hơn vì nhuận một tháng, tuy nhiên, bằng kinh nghiệm lâu năm trong nghề trồng đào cảnh, anh cho biết đây là thời điểm thích hợp nhất.
“Năm nay ấm hơn, lại có gió đông nên chỉ vài ngày sau khi tuốt lá, đào bật nụ rất mau. Những cây đào cổ, đào già có tuổi đời vài chục năm, nụ to, khoẻ, dày; khi nở bông to, cánh dày, màu sắc tươi, đậm hơn so với đào non. Một cây đào cổ có thể chơi hoa bền hơn, hết tháng Giêng vẫn còn ra hoa”, anh Điệp cho biết.
Để chăm sóc vườn đào quý, anh Điệp trồng theo hàng lối, mỗi cây cách nhau chừng 1m, vừa thuận tiện cho việc chăm sóc, vừa để không gian cho cây vươn căng cành, nhờ đó cây nào tán cũng dày tua tủa, mơn mởn. Dưới gốc, anh vun một bầu đất cao, vừa giúp cây thoát nước, giữ ẩm, vừa thuận tiện cho việc đánh bầu, truyền trước khi đưa lên chậu để bán cho khách chơi Tết.
“Nghề trồng đào rất kỳ công. Với những cây đào cổ, lâu năm tuổi, việc chăm sóc càng tỉ mỉ, công phu và vất vả hơn. Khi cây ra cành bánh tẻ đến giai đoạn uốn thế, định hình theo ý muốn. Các thế cây thông thường như thế trực, thế huyền… là những lối cây cổ, đây là kỹ năng lành nghề của các nhà vườn ở Nam Định, nổi trội hơn các vùng đào khác, do đó đào Nam Định bao giờ cũng đẹp hơn”, anh Điệp cho biết.
Vườn đào của anh Trần Xuân Điệp có rất nhiều cây có kích thước lớn, chu vi thân lên tới 3 gang tay, cao trên 3m được tạo tác theo dáng long, dáng huyền… là những lối cây truyền thống. Mỗi cây sẽ tiếp tục được chia thành 5 bông (gọi là ngũ phúc) để tượng trưng cho sự may mắn, tài lộc theo tín ngưỡng của người Á Đông, mỗi một bông, dăm cành lên tua tủa, đầy đặn, tròn trịa, tất cả kết hợp với nhau tạo thành một cây đào thế cân đối các tay cành.
Với hơn 200 gốc đào cổ, đào quý, trừ chi phí một năm anh Điệp cũng thu được ba trăm triệu. Đó là thành quả một năm vất vả mà gia đình anh Điệp trông ngóng.
“Một cây đào đẹp, trước hết cây phải có dáng thế rõ ràng, không rối rắm; bông tay hài hòa, cân đối, và phải dày dăm nụ. Nụ nó mọc kín dọc các cành, thậm chí tận nách cành vẫn dày hoa. Đó là đặc điểm chỉ có những cây đào già mới có”, anh Điệp giải thích.
Ngoài những cây đào thế kích thước lớn, hợp với không gian sân vườn rộng, thoáng, anh Điệp còn có nhiều cây đào ta cổ thuần chủng, không lai ghép đào rừng, được anh giữ và chăm sóc hết năm này sang năm khác.
Cây đào thế dáng long cổ, thuần chủng đào ta có chiều cao khoảng 1,5 mét, tàn bay khoảng 2 mét. Từ mặt gốc lên đến thân chính khoảng 50cm, tỷ lệ rất đẹp đối với một cây đào thế cổ. Cây làm theo lối làm cây của các cụ xưa, thân cây bành ra, rất nạc, không một vết cắt, do đó xương cây rất rắn, khỏe. Bộ dăm tàn rất đều, chia tay rất đẹp.
“Nhiều gốc đào cổ khác có thể đẹp hơn, hình thù kỳ quái hơn nhưng không phải cây thuần chủng, phần lớn là đào rừng ghép mắt đào ta. Những cây ghép đó không bền, sẽ bị bỏ tay sau một thời gian”, anh Điệp nói.
Dù Tết nguyên đán mới cận kề, thế nhưng mấy tuần nay, vườn đào của anh Điệp đã nườm nượp khách tìm đến để lựa cây, đánh dấu và đặt cọc trước, đợi đến Rằm sẽ đưa về chơi Tết.
“Những cây đào thế, đào đẹp chủ yếu cho khách thuê chơi Tết, giá cả nhà vườn rất phải chăng. Một cây đào to, đẹp, trên Hà Nội cho thuê với giá vài chục triệu, ở vườn dưới tỉnh, tôi chỉ cho thuê giá bằng 50% giá thuê ở Hà Nội. Thế nên những người đến sớm để lựa cây đều là khách quen, năm nào cũng đến thuê đào của gia đình”, anh Điệp nói.
Nguồn: nongnghiep.vn