Sản phẩm đặc thù
Ninh Thuận xác định phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025, trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới.
Với điều kiện tự nhiên và khí hậu khô nóng, ít mưa đã giúp Ninh Thuận phát triển mạnh các loại cây trồng, vật nuôi đặc thù so với các địa phương khác trong cả nước như: Nho, táo, nha đam, dê, cừu…
Từ lợi thế này, thời gian qua, Ninh Thuận đang đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, du lịch tham quan trang trại, thu hút một lượng lớn du khách trong và ngoài nước tới tham quan, trải nghiệm.
Các mô hình nổi bật như: Phát triển du lịch vườn cây ăn trái Lâm Sơn (xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn); phát triển du lịch trải nghiệm văn hóa cộng đồng của đồng bào dân tộc Raglai, Chu Ru xã Phước Bình, huyện Bác Ái gắn với khám phá Vườn Quốc gia Phước Bình; phát triển du lịch tham quan trải nghiệm vườn Nho Thái An và văn hóa cộng đồng Raglai thôn Cầu Gãy, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải…
Việc đưa các sản phẩm nông nghiệp tham gia vào chuỗi phát triển du lịch đang được xem là hướng đi đúng đắn của tỉnh Ninh Thuận nhằm tạo điểm nhấn, tăng thêm sự lựa chọn cho du khách khi đến tìm hiểu, khám phá vùng đất Ninh Thuận. Trong đó, du khách ấn tượng với các tour tham quan vườn nho.
Tham quan vườn nho ngón tay đen không hạt rộng hơn 2.000 m2 của đình anh Nguyễn Đình Trí ở xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn, chị Nguyễn Thị Phượng không khỏi bỡ ngỡ trước vườn nho đẹp, sai trĩu quả trước mắt.
“Đến vườn nho, tôi được được thỏa sức chụp hình, mua và thưởng thức nho tươi ngay tại vườn. Anh chủ mở cửa vườn cho khách tham quan miễn phí, hướng dẫn nhiệt tình, mình muốn giới thiệu cho bạn bè có dịp hãy đến đây trải nghiệm, thưởng thức”, chị Phượng bày tỏ.
Còn anh Nguyễn Việt Thắng, chia sẻ đây là lần đầu tiên anh đưa gia đình tham quan vườn nho và rất thích thú, các con của anh được trải nghiệm cảm giác đi hái nho và thưởng thức các sản phẩm chế biến từ nho.
Cách làm đặc sắc
Làng nho Thái An (huyện Ninh Hải) hiện có hơn 200 ha nho bao gồm các giống nho đỏ Red Cardinal, nho xanh NH01-48, nho hồng NH01-152, nho kẹo NH01-26. Hiện tại, các nhà vườn thường mở cửa từ 7 giờ đến 17 giờ hàng ngày để đón khách.
Chị Phạm Thị Ngọc Tiền, chủ vườn nho 85 – Làng nho Thái An cho biết, hàng ngày vườn nho 85 đều có khách tới tham quan, cao điểm nhất là các ngày Tết, nghỉ lễ và mùa hè, từ hàng trăm đến hàng nghìn khách.
Du khách khi tới tham quan sẽ được miễn phí vào cổng, thỏa sức chụp ảnh, thưởng thức miễn phí nho tươi và các sản phẩm đặc thù của tỉnh như: Rượu nho, siro nho, mứt rau hồng vân, nho sấy, táo sấy. Khách cũng được trải nghiệm tự tay hái nho tươi, thu hoạch nho tại vườn.
“Sau khi tham quan, chụp hình và thưởng thức những sản phẩm đặc thù của tỉnh, du khách có nhu cầu mua làm quà cho người thân thì ủng hộ nhà vườn chứ không bắt buộc khách phải mua và luôn niềm nở với khách”, chị Tiền cho hay.
Theo chị Tiền, vườn nho 85 có tổng diện tích gần 7 sào, chia ra từng khu để gối đầu nhau từ cắt cành, ra bông đến trái xanh, trái chín nên vườn có nho quanh năm để phục vụ du khách.
Còn Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp nông nghiệp nho Thái An ở Xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải hiện có 16 thành viên với diện tích 20ha nho, hợp tác xã cũng đang liên kết với 70 hộ trồng nho diện tích gần 100ha.
Ông Nguyễn Khắc Phòng, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thái An cho biết, các nhà vườn của hợp tác xã đã đầu tư điểm dừng chân, mua bán sạch sẽ, bàn ghế tươm tất giúp du khách thoải mái khi tham quan, trải nghiệm.
“Hợp tác xã luôn chủ động nho để phục vụ du khách, kể cả trong mùa mưa gió. Đồng thời những sản phẩm sau nho như nho sấy, rượu nho, mật nho luôn có ở HTX để phục vụ cho khách tham quan du lịch. Những tháng cao điểm hợp tác xã đón từ 5-7 nghìn khách”, ông Phòng thông tin.
Hiện hợp tác xã cũng đang triển khai 5.000m2 nho công nghệ cao để phục vụ du khách và định hướng mở rộng thêm 3-5 ha để phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm quanh năm.
Đồng thời, mở rộng thêm cửa hàng trưng bày sản phẩm OCOP, không chỉ của hợp tác xã mà kể cả những sản phẩm OCOP trong toàn tỉnh, thông qua đó quảng bá sản phẩm OCOP của tỉnh đi khắp cả nước và khách du lịch quốc tế.
Qua đó, thấy được cái hay ở đây là khi đến tham quan các vườn nho, du khách không phải mua vé vào cổng, thỏa sức chụp ảnh, thưởng thức miễn phí nho và các sản phẩm chế biến từ nho và các sản phẩm đặc thù khác.
Bên cạnh đó, du khách còn có dịp tìm hiểu và khám phá các giống nho, được các chủ vườn hướng kỹ thuật trồng nho cũng như thu hoạch nho tại vườn.
Với cách làm khác biệt này đã tạo ấn tượng tốt đẹp đối với du khách giúp tăng sức lan tỏa và thu hút du khách quay trở lại thăm vườn nho Ninh Thuận nhiều hơn.
Ông Kiều Tấn Đạt, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, lượng khách tham quan lưu trú tại tỉnh Ninh Thuận 9 tháng đầu năm có tăng so với cùng kỳ. Do vậy đây cũng là cơ hội để du khách đến trải nghiệm tại các điểm du lịch về nông nghiệp nông thôn như là tham quan các điểm như làng nho Thái An, vườn cây ăn trái Lâm Sơn…
“Từ việc du khách biết đến sản phẩm đặc thù giúp cho kênh quảng bá sản phẩm của tỉnh ngày càng được biết đến rộng rãi. Qua đó tạo điều kiện tăng thu nhập cho người dân nông thôn, góp phần vào tăng giá trị ngành nông nghiệp trong; đồng thời phát triển kinh tế nông thôn, đóng góp vào công cuộc xây dựng nông thôn mới của tỉnh”, ông Kiều Tấn Đạt cho hay.
Theo ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận, sau lễ hội “Nho-Vang Ninh Thuận” và cuộc thi “Giàn nho đẹp” được tổ chức vào năm 2023 đã giúp quảng bá rất hiệu quả du lịch nông nghiệp, quảng bá sản phẩm đặc thù của địa phương tới du khách trong và ngoài nước, góp phần thu hút tăng thêm gần 1 triệu lượt khách du lịch tới tỉnh trong năm 2024 .
Nguồn: nongnghiep.vn