Cơ cực nhất là khi thiên tai
Ông Nguyễn Văn Phận, Chủ tịch UBND xã Xuân Lam (Hưng Nguyên, Nghệ An) thông tin, trên địa bàn có 3 xóm thuộc diện trong sông ngoài đê là xóm 5, 6, 9 với gần 400 hộ thường xuyên phải chịu cảnh ngập lụt, nhưng việc này đã được tháo gỡ phần nào khi cơ quan chức năng xây dựng hệ thống đê kè năm 2023. Hiện vấn đề cấp thiết nhất là bố trí nơi ăn chốn ở cho 8 hộ làng chài, những phận người đang sống tạm bợ, lay lắt qua ngày đoạn tháng.
“Có 3 hộ thuê lại ki-ốt của người dân quanh vùng, số còn lại tận dụng thuyền bè cũ kỹ, cũng như một số hạng mục công trình thủy lợi để không sửa sang làm nơi sinh hoạt thường nhật. Điều kiện sống không đảm bảo kéo theo hàng loạt vấn đề bí bách, cơ cực nhất là khi thiên tai, mưa bão kéo đến, những lúc như thế áp lực như thể nhân lên gấp bội phần. Chính quyền địa phương phải thường xuyên nắm bắt diễn biến, kịp thời thông tin để các hộ chủ động ứng phó, ngoài ra phải cắt cử lực lượng hỗ trợ bà con tìm nơi tránh trú trong trường hợp cấp bách”, ông Phận nhấn mạnh.
Những lời tâm tư của Chủ tịch UBND xã Xuân Lam mới khái quát được một phần nhỏ những khốn khó mà người dân xóm chài đang đối diện, có trực tiếp chứng kiến mới thấy tình cảnh cam go hơn nhiều. Nhiều thế hệ tiếp nối nhưng mãi chưa thoát ra khỏi vòng xoáy của đói nghèo, quả thực chưa an cư chẳng thể nào lạc nghiệp. Xóm chài như thể một vùng “biệt lập” đúng nghĩa, nhịp sống, guồng quay vội vã dường như chưa kịp len lỏi đến nơi này.
Anh Nguyễn Văn Việt, người đã gắn cả đời mình với xóm chài nghèo khó hiểu rõ hơn ai hết tình cảnh ngặt nghèo: “Từ thời cố, đến đời cha, vắt sang đời con, đời cháu đều sinh sống ở khúc sông này, bao nhiêu năm rồi vẫn thế. Dân sông nước chúng tôi chỉ thạo đánh bắt nhưng bữa được bữa không, khi thiên tai chỉ biết nằm bờ, có những bận nghỉ suốt cả tháng, thành thử đã nghèo còn nghèo hơn.
Mỗi lúc như thế bọn nhỏ cũng không thể đến trường, sự học bị ngắt quãng thường xuyên nên chẳng dám mơ cao. Chung quy bất tiện đủ đường, chỉ mong sao cấp chính quyền và cơ quan chuyên môn đẩy nhanh quá trình tái định cư để chúng tôi sớm thoát khỏi cảnh này”.
Mỗi người một mối lo toan nhưng bản thân anh Việt thì ngổn ngang trăm mối, anh mang vác trọng trách đầu tàu, vừa phải lắng lo cho vợ con, lại phải để mắt đến 2 người em tâm trí không bình thường, riêng cô em gái không tự chủ được hành vi, cứ hễ lên cơn lại gào rú điên loạn, lắm lúc đang yên đang đang lành lại nổi điên đập phá tanh bành. Vừa giận lại vừa thương, cảm xúc đan xen bỗng chốc biến một người mạnh mẽ như anh Việt trở nên yếu đuối lạ thường.
Đầu ấp tay gối suốt bao năm trời, hiển nhiên chị Phạm Thị Hoa, vợ anh Việt cũng chiêm nghiệm đủ những đắng cay, vất vả: “Nghề sông nước bất bênh, may lắm đủ ăn hàng ngày chứ chẳng mong tích lũy đồng vốn làm điều gì to tát. Vùng này đất thấp, khi bão lũ tràn về thì ngập trắng băng, thậm chí vượt cả đỉnh dốc ngoài kia. Riết mãi thành quen, gia đình tôi bố trí một con thuyền cũ để sẵn trên cạn, phía trong có các vật dụng thiết yếu, phòng khi mưa bão thì tất cả kéo nhau lên đó trú ngụ. Nước dâng thì thuyền nổi, có những bận thuyền chòng chành, sống bất an nhiều ngày liền.
Dù đã chủ động ứng phó nhưng chẳng ai nói trước được điều gì cả, như năm 2023 đấy thôi, khi nước lũ tràn về mẹ con tôi tay xách nách mang cuống cuồng tìm nơi trú ngụ, đang di chuyển thì tuột tay đánh rơi cháu út xuống lòng sông. Trong cơn bấn loạn tôi hoảng hốt tri hô, may thay anh Việt đi đánh cá quay về kịp lúc, anh lặn mò một hồi lâu mới xốc nổi thằng nhỏ lên bờ, bằng không thì mất cháu rồi”.
Nút thắt pháp lý
Từ thực tế trên thấy rằng việc bố trí, di dời tái định cư đối với 8 hộ dân xóm chài của xã Xuân Lam là nội dung cấp bách, có điều diễn biến chung không mấy khả quan.
Theo ghi nhận của Báo Nông nghiệp Việt Nam, ngày 29/12/2011 UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định “Phê duyệt đầu tư mở rộng quy mô dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư cho các hộ dân vùng thiên tai, sạt lở đất của xã Hưng Lam, huyện Hưng Nguyên”.
Theo kế hoạch ban đầu, khi hoàn thành sẽ di chuyển 100 hộ dân của các xóm 5, 6, 7, 8, 9 sống dọc bờ sông Lam của xã Hưng Lam đến khu tái định cư. Thời điểm này, 8 hộ dân vạn chài thuộc địa phận xã Hưng Xuân (mãi đến năm 2020 mới sát nhập với xã Hưng Lam thành xã Xuân Lam – PV) nên không có tên trong danh sách thụ hưởng.
Do không bố trí được kinh phí nên 10 năm sau dự án mới rục rịch khởi động giai đoạn 2. Thời gian bỏ bẵng quá lâu hình thành bước chuyển trong tâm lý của số đông, nhiều hộ đã xây dựng, nâng cấp nhà cửa khang trang, ổn định nên không mặn mà chuyển đến. Ngược lại, 8 hộ dân xóm chài ngày đêm trông ngóng có một nơi ăn chốn ở đàng hoàng vẫn đang chờ đợi mải miết.
Chính quyền xã Xuân Lam đã kiến nghị bổ sung những hộ này vào danh sách thụ hưởng, tuy nhiên nút thắt về mặt pháp lý đang là rào cản khó gỡ. Hỏi ra mới biết, năm 2022 đơn vị chủ đầu tư đã ban giao hồ sơ và cắm mốc chia lô dự án để UBND xã Xuân Lam đưa vào sử dụng, sự thể tưởng chừng đã ổn thỏa nhưng khi rà soát hồ sơ, hiện trạng lại nảy sinh sự cố.
Tại bản vẽ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 do UBND huyện Hưng Nguyên phê duyệt năm 2012 có 100 lô đất với diện tích quy hoạch lớn hơn 300m2/lô. Thông số này “lệch” với điểm a khoản 4 điều 5 của Quyết định 78/2014/QĐ-UBND năm 2024 của UBND tỉnh Nghệ An quy định về giao đất ở không qua đấu giá quyền sử dụng đất: “Hạn mức giao đất ở tại vùng đồng bằng khu vực nông thôn hạn mức giao không quá 300m2 đất”.
Nguồn: nongnghiep.vn