Ngày 28/12, tại Cần Thơ, Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) tổ chức Diễn đàn “Thực trạng sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam và giải pháp phát triển bền vững”.
Rộng cửa cho thuốc BVTV sinh học
Bà Bùi Thanh Hương, Trưởng phòng Thuốc bảo vệ thực vật (Cục Bảo vệ thực vật) cho biết, xu hướng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sinh học ngày càng phổ biến ở các quốc gia phát triển và đang phát triển. Tại Việt Nam, từ năm 2020 – 2023, số lượng thuốc BVTV sinh học tăng từ 768 lên 810 tên thương phẩm được phép sử dụng.
Về xuất khẩu, lượng thuốc BVTV sinh học xuất khẩu hàng năm của nước ta trung bình 600 tấn/năm, chiếm khoảng 5% so với tổng lượng thuốc BVTV xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu là Đài Loan, Campuchia, Ấn Độ, Nhật Bản… Trong đó, xuất khẩu nhiều nhất sang Campuchia (chiếm 51,4%) và Đài Loan (32,9%).
Lượng thuốc BVTV sinh học nhập khẩu hàng năm của nước ta trung bình 18.000 – 20.000 tấn/năm (chiếm khoảng 15-20% so với tổng lượng thuốc BVTV nhập khẩu). Nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, EU, ASEAN…
Hiện nay, lượng thuốc BVTV sử dụng trung bình giảm từ 3,81 kg/ha (năm 2020) xuống 3,19 kg/ha (năm 2022). Trong đó, lượng thuốc BVTV sinh học sử dụng tăng từ 16,67% (năm 2021) lên 18,49% (năm 2022). Các địa phương sử dụng thuốc BVTV sinh học nhiều như: Đông Nam bộ (1,49 kg/ha), ĐBSCL (0,79 kg/ha).
Theo bà Hương, Bộ NN-PTNT đã ban hành Đề án phát triển sử dụng thuốc BVTV sinh học đến năm 2023, tầm nhìn 2050. Trong đó, cụ thể hóa được các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để hướng tới xây dựng nền nông nghiệp xanh, an toàn, bền vững.
PGS.TS Nguyễn Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam chia sẻ, sử dụng thuốc BVTV hóa học gây ra những hậu quả xấu về an toàn thực phẩm, môi trường, đa dạng sinh học, hiện tượng kháng thuốc và bùng phát dịch hại… Giải pháp sử dụng các biện pháp sinh học và thuốc BVTV sinh học thay thế thuốc hóa học là xu thế tất yếu, phù hợp với chiến lược IPM, tăng trưởng xanh và đạt được sự đồng thuận cao của các quốc gia trên thế giới.
Thống kê cho thấy, tổng giá trị thị trường thuốc BVTV sinh học năm 2023 được dự báo là 6,7 tỉ USD. Năm 2028 tăng lên 13,9 tỉ USD. Tăng trưởng bình quân về giá trị 15,9%/năm. Dự báo, năm 2040-2050, giá trị thị trường thuốc BVTV sinh học sẽ bằng và vượt giá trị thị trường thuốc hóa học.
Tuy nhiên, việc phát triển thuốc BVTV sinh học vẫn gặp một số rào cản như: Hiệu lực chậm, thấp hơn và không ổn định, chuyên tính hẹp, không phong phú về chủng loại, thời gian bảo quản ngắn, dễ bị ảnh hưởng của môi trường, dễ bị lẫn tạp, sử dụng khó. Không những vậy, chi phí sử dụng thuốc cao, thói quen sử dụng thuốc BVTV hóa học của người dân, quy định về đăng ký tại nhiều nước còn bất cập…
Trên cơ sở đó, ông Hồng cho rằng, quản lý thuốc BVTV sinh học tại Việt Nam cần theo 3 hướng chính: Sản xuất trong nước; nhập khẩu từ nước ngoài; sản xuất quy mô nông hộ, trang trại, HTX để sử dụng.
Các chính sách lớn cần tập trung thực hiện gồm: Truyền thông nâng cao nhận thức, hiểu biết về sử dụng có trách nhiệm thuốc BVTV. Tiếp thu, chọn lọc kinh nghiệm của thế giới để bổ sung, hoàn thiện và thực thi hiệu quả các quy định về quản lý thuốc BVTV. Đào tạo nguồn nhân lực (cán bộ quản lý, nghiên cứu, khuyến nông về thuốc BVTV sinh học). Xây dựng mạng lưới các trung tâm, viện, trường, phòng thí nghiệm nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ sản xuất và sử dụng thuốc sinh học.
Đồng thời có chính sách tài chính cụ thể khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, phát triển, sản xuất, cung ứng thuốc BVTV sinh học. Đổi mới công tác đăng ký, quản lý thuốc BVTV sinh học nhằm tạo động lực và quản lý hiệu quả hơn, hài hòa với quy định của các nước tiên tiến. Cập nhật, cụ thể hóa khái niệm thuốc BVTV sinh học tại Việt Nam, bổ sung quy định đối với một số sản phẩm sinh học mới. Ban hành danh mục các thuốc BVTV sinh học có độ rủi ro thấp (thuốc vi sinh, pheromones…) được ưu tiên và đơn giản hóa thủ tục đăng ký.
Các giải pháp tiếp theo là loại bỏ một số yêu cầu về số liệu thử nghiệm đối với các thuốc sinh học rủi ro thấp; quy định về các trường hợp thuốc BVTV được ưu tiên đăng ký đặc cách. Tăng thời gian hiệu lực của giấy chứng nhận đăng ký thuốc BVTV sinh học lên 10-15 năm, thay cho 5 năm hiện nay. Bổ sung quy định chỉ cho phép thuốc BVTV sinh học được bán hàng online và đổi mới quy định ghi nhãn thuốc BVTV sinh học…
Tại Diễn đàn, bà Nguyễn Thị Mai Hiên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN-PTNT) chia sẻ, hệ thống văn bản pháp luật về BVTV ở nước ta hiện nay đã đầy đủ, thể chế hóa được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về BVTV, kiểm dịch thực vật và quản lý thuốc BVTV.
Bà Hiên cũng đề xuất: Tiếp tục rà soát, đánh giá việc thực thi các quy định về quản lý, sử dụng thuốc BVTV từ quy trình đăng ký, thực hiện khảo nghiệm đảm bảo quy định rõ ràng trong thành phần hồ sơ, đơn giản hóa thủ tục hành chính thực hiện.
Cải tiến quy trình đăng ký thuốc BVTV như: Chuyển từ hình thức quản lý theo Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam sang hình thức quản lý theo giấy chứng nhận đăng ký. Xem xét bổ sung quy định với trường hợp xuất hiện sinh vật gây hại mới/đối tượng cây trồng nhưng chưa có thuốc BVTV được đăng ký sử dụng thì Bộ NN-PTNT sẽ cho phép sử dụng thuốc BVTV đã được đăng ký để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Đánh giá thực tiễn việc quản lý, sử dụng thuốc BVTV sinh học trong thời gian qua; nghiên cứu, đề xuất chính sách cụ thể để khuyến khích phát triển thuốc BVTV sinh học cũng như trình tự, thủ tục đăng ký công nhận thuốc BVTV sinh học.
Nguồn: nongnghiep.vn