Trên địa bàn huyện Thủy Nguyên đang có 695 công trình thủy lợi, trong đó có 75 cống dưới đê, 63 trạm bơm điện, 40 kênh trục chính, hơn 1.000km kênh cấp 1 và kênh trục chính xã. Với số lượng công trình lớn, đi qua nhiều địa bàn phức tạp nên công tác quản lý và bảo vệ môi trường thủy lợi những năm qua gặp không ít khó khăn. Từ năm 2018 đến nay, khi thực hiện Luật Thủy lợi, công tác quản lý và bảo vệ môi trường thủy lợi đã được cải thiện.
Ông Nguyễn Trần Quỳnh – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Thủy Nguyên (Công ty Thủy lợi Thủy Nguyên) cho biết, hiện tại trên hệ thống thủy lợi còn 43 vụ chưa xử lí, đây là những vụ việc xảy ra từ năm 2018 đến tháng 12/2023.
Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn huyện Thủy Nguyên chỉ xảy ra 2 vụ vi phạm hành lang công trình thủy lợi trên địa bàn xã Hòa Bình và xã Mỹ Đồng. Đầu tiên là vụ đóng 160 cọc cau lăn xuống kênh Phương Mỹ và vụ thứ hai là xây dựng công trình trong phạm vi bảo vệ hành lang hồ Sông Giá, cả hai vụ đều đã được khắc phục hoàn toàn.
Với các vụ chưa xử lí, công ty đang lập biên bản, hoàn thiện hồ sơ quy trình, gửi các cơ quan quản lý nhà nước gồm UBND các xã và UBND huyện Thủy Nguyên để ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, cưỡng chế khắc phục hậu quả theo đúng quy định.
“Chúng tôi quyết tâm sẽ thực hiện và hoàn thành xong toàn bộ các vi phạm lấn chiếm công trình thủy lợi trên địa bàn huyện Thủy Nguyên để báo cáo UBND thành phố Hải Phòng trước ngày 30/9/2024”, ông Nguyễn Trần Quỳnh khẳng định.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng xâm lấn, xây dựng trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi là do số lượng công trình trên địa bàn huyện Thủy Nguyên lớn, phân bố trên địa bàn rộng, nhận thức về pháp luật thủy lợi của người dân còn hạn chế và nhu cầu về đất ở cũng như mặt bằng sản xuất gia tăng.
Sự phối hợp giữa UBND các xã, thị trấn theo quy định tại quy chế phối hợp với công ty chưa kịp thời, chưa chặt chẽ. Quá trình thực hiện các nhiệm vụ, một số xã chưa quyết liệt ngăn chặn, xử lý vi phạm dẫn đến vụ việc vi phạm kéo dài, tái vi phạm. Cùng với đó, một số thửa đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng cần có lối vào nên người dân đã bất chấp để xây dựng cầu qua kênh.
Trong các hệ thống công trình, hiện nay có 40 kênh trục chính nhưng chỉ có duy nhất kênh Hòn Ngọc, dài 28,4km, được cắm mốc hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, nên công tác quản lý gặp khó khăn.
Để nâng cao công tác công tác bảo vệ, quản lý công trình thủy lợi, các địa phương cần tăng cường phối hợp với công ty xử lý các vụ việc vi phạm ngay từ giai đoạn đầu. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của công trình thủy lợi để giảm thiểu tối đa các hành vi vi phạm.
“Chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương và các cấp, các ngành ngành tiếp tục chỉ đạo và phối hợp tốt hơn nữa với công ty trong việc việc bảo vệ và giữ gìn hệ thống công trình thủy lợi”, ông Nguyễn Trần Quỳnh bày tỏ.
Nguồn: nongnghiep.vn