Thông tin từ Tổng cục Hải quan cho thấy, đến giữa tháng 11, xuất khẩu gạo Việt Nam trong năm nay đã đạt hơn 5 tỷ USD. Như vậy, đây là lần đầu tiên xuất khẩu gạo Việt Nam vượt mốc 5 tỷ USD trong một năm.
Để có được 5 tỷ USD từ xuất khẩu gạo, hơn 8 triệu tấn gạo Việt Nam đã được bán ra các thị trường nước ngoài, đánh dấu năm thứ hai liên tiếp lượng gạo xuất khẩu vượt mốc 8 triệu tấn. Cho đến nay, lượng gạo xuất khẩu cao nhất trong một năm là 8,13 triệu tấn, đạt được trong năm 2023. Với lượng gạo xuất khẩu mỗi tháng hiện vào khoảng 600-700 nghìn tấn, nhiều khả năng đến hết tháng 11, lượng gạo xuất khẩu trong năm nay sẽ vượt luôn cả mốc kỷ lục này.
Xuất khẩu gạo Việt Nam lần đầu tiên vượt mốc 5 tỷ USD, chủ yếu nhờ giá xuất khẩu tăng cao. Tính chung trong 3 quý đầu năm, giá gạo xuất khẩu bình quân 626 USD/tấn, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái, tương ứng với mức tăng 74 USD/tấn.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ở mức cao, ngoài ảnh hưởng từ giá gạo trên thế giới, còn đến từ việc thay đổi chủng loại gạo xuất khẩu. Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cho biết, Việt Nam đang dần tạo ra sự khác biệt trong sản xuất và xuất khẩu gạo so với các nước xuất khẩu khác, khi tập trung vào các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao, đồng thời giảm mạnh sản xuất và xuất khẩu gạo phẩm cấp trung bình và thấp. Qua đó, ngành lúa gạo đã tạo ra một mặt bằng giá xuất khẩu riêng cho gạo Việt Nam..
Sự riêng biệt về giá của gạo Việt Nam đã nhiều lần được thể hiện khi đứng ở mức cao nhất trong những nước xuất khẩu hàng đầu và có nhiều thời điểm cao hơn đáng kể so với gạo cùng loại của Thái Lan.
Kể từ sau khi Ấn Độ bỏ giá xuất khẩu tối thiểu đối với các loại gạo không phải là gạo Basmati (non – basmati) vào ngày 22/10, giá gạo xuất khẩu trên thị trường thế giới đã giảm khá nhiều.
Tuy cũng giảm mạnh như gạo của các nước xuất khẩu khác, nhưng giá gạo Việt Nam vẫn ở mức cao nhất trong những nước xuất khẩu chính. Cụ thể, vào ngày 26/11, giá gạo 5% tấm của Việt Nam là 520 USD/tấn, còn gạo cùng loại của Thái Lan là 493 USD/tấn, Ấn Độ 453 USD/tấn và Pakistan 455 USD/tấn. Như vậy, trong 4 nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, hiện chỉ có gạo 5% tấm của Việt Nam vẫn đang ở mức hơn 500 USD/tấn.
Thị trường Philippines tăng mạnh nhập khẩu gạo Việt Nam kể từ đầu năm đến nay, cũng là yếu tố quan trọng giúp cho xuất khẩu gạo trong năm nay đi các thị trường đã có lần đầu tiên vượt mốc 5 tỷ USD.
Trong 10 tháng đầu năm nay, đã có hơn 3,6 triệu tấn gạo Việt Nam được xuất khẩu sang Philippines, trị giá 2,2 tỷ USD. Philippines đang chiếm tới 47% về lượng và 46% về kim ngạch trong xuất gạo Việt Nam. Với những con số này, đây là năm thứ 3 liên tiếp xuất khẩu gạo Việt Nam sang Philippines đạt trên 3 tỷ USD và cũng là năm mà cả lượng gạo lẫn kim ngạch xuất khẩu sang Philippines đều ở mức cao nhất từ trước tới nay. Riêng về kim ngạch xuất khẩu, sau 4 năm liên tục ở mức từ hơn 1 tỷ USD đến gần 2 tỷ USD, đây là năm đầu tiên mà xuất khẩu gạo sang Philippines vượt 2 tỷ USD.
Gạo trở thành mặt hàng nông sản thứ 2 của Việt Nam đạt mốc xuất khẩu 5 tỷ USD sau rau quả. Năm 2023, xuất khẩu rau quả lần đầu vượt 5 tỷ USD, 10 tháng đầu năm nay đã vượt mốc 6 tỷ USD và đang hướng tới kim ngạch 7 tỷ USD khi kết thúc năm. Theo sau gạo, nhiều khả năng khi kết thúc năm nay, xuất khẩu cà phê của Việt Nam cũng sẽ có lần đầu tiên chạm mốc 5 tỷ USD. Tính chung các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, đến nay đã có 3 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu từ 5 tỷ USD trở lên là đồ gỗ, rau quả và gạo.
Nguồn: nongnghiep.vn