Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long vừa phối hợp Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh phía Bắc.
Ông Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, tổng số khách đến Đồng bằng sông Cửu Long đạt gần 30 triệu lượt, tăng 11,20% so với cùng kỳ 2023. Tổng thu từ hoạt động du lịch trên 34,8 ngàn tỷ đồng, tăng 33,02% so với cùng kỳ 2023.
Riêng Trà Vinh, tổng lượt khách đến trong năm 2024 ước đạt trên 3,8 triệu lượt, tăng 79% so năm 2023, trong đó khách quốc tế có trên 75.700 lượt. Tổng doanh thu du lịch đạt trên 2.500 tỷ đồng.
Với những đặc trưng riêng, ngành du lịch đồng bằng sông Cửu Long từng bước được đầu tư phát triển gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn, phát huy văn hóa bản địa giúp du khách có nhiều trải nghiệm và thể hiện trách nhiệm với thiên nhiên. Trong đó, loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, biển, đảo, mice (là loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng của các công ty cho nhân viên, đối tác), văn hóa – lịch sử, tâm linh, cộng đồng, nông nghiệp… là sản phẩm đặc trưng và thu hút khách du lịch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
“Những năm qua, kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông từng bước được đầu tư hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển. Đồng bằng sông Cửu Long có cảnh quan sinh thái đặc trưng là vùng đồng bằng và biển, đảo, một vùng sông nước hữu tình, cây trái bốn mùa trĩu quả, kết hợp với truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời”, ông Sum chia sẻ.
Ông Vũ Thái Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đánh giá cao Hội nghị này và mong các khu vực khác học tập, phát huy cách làm của Đồng bằng sông Cửu Long.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam lưu ý các doanh nghiệp cần đi vào chiều sâu với những khác biệt về sản phẩm du lịch để khai thác, tạo ra sự hấp dẫn du khách.
Ông Phạm Văn Thủy, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho rằng để phát triển tốt hơn nữa thì từng địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc (về món ăn, điểm đến…). Từ đó, có thể xem các sản phẩm du lịch đó là của vùng chứ không phải riêng của tỉnh nào.
Tại hội nghị, đại diện Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long và đại diện Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành Đồng bằng sông Hồng; doanh nghiệp du lịch các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long và các doanh nghiệp du lịch các tỉnh, thành phía Bắc đã thống nhất ký biên bản ghi nhớ liên kết, hợp tác kinh doanh du lịch. Theo đó, các bên sẽ hỗ trợ lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác, tăng cường kết nối, xúc tiến, quảng bá phát triển hoạt động du lịch.
Nguồn: nongnghiep.vn