Theo các chuyên gia, hoàn lưu cơn bão số 3 đã gây ra sạt lở đất ở nhiều khu vực trong tỉnh Yên Bái bởi 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất, Yên Bái là tỉnh trung du miền núi, địa hình chủ yếu là đồi núi cao, độ dốc lớn, cấu trúc địa chất các tầng, lớp đất đá ở nhiều khu vực bị phong hóa mạnh, rời rạc, kết dính kém.
Thứ hai là do mưa trong thời gian dài với cường độ lớn. Trước bão số 3 đổ bộ, theo thống kê số ngày mưa trong tháng 8/2024 tại tỉnh khoảng 20 ngày. Đặc biệt, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3 từ ngày 8 – 11/9 mưa liên tục, có nơi lượng mưa rất lớn từ 300 – 500mm.
Mưa lớn kéo dài đã làm các lớp đất đá bị bão hòa nước, trở nên bở rời, mất khả năng kết dính, trôi trượt, cộng với một số khu vực tầng phủ thực vật đã bị suy giảm nên đã gây sạt lở khủng khiếp.
Báo cáo của UBND tỉnh Yên Bái nêu rõ, địa phương thiệt hại khoảng 6.000 tỷ đồng, 54 người thiệt mạng do sạt lở đất và nước lũ, 346 ngôi nhà sập đổ hoàn toàn, gần 2.900 nhà bị sạt lở taluy ảnh hưởng, hư hỏng… Những con số thiệt hại chưa từng có trong lịch sử cho thấy sự thảm khốc của thiên tai.
Ông Nguyễn Xuân Sang, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Yên Bái cho biết, để giảm thiểu thiệt hại về người, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương tiến hành rà soát, di dời ngay người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; hỗ trợ đảm bảo điều kiện sống cơ bản cho người dân phải di dời. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá hiện trạng các khu vực sụt lún, sạt lở để có giải pháp phù hợp và chỉ cho phép các hộ dân trở về nhà khi đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên sau đợt thiên tai vừa qua, có 346 hộ dân bị sập đổ nhà ở và hàng nghìn hộ dân không thể quay về nhà vì nguy cơ sạt lở đất đe dọa tính mạng. Chính vì vậy, việc sắp xếp dân cư sau thiên tai được tỉnh Yên Bái đặc biệt chú trọng thực hiện bằng các giải pháp như: bố trí ổn định dân cư tại chỗ (san gạt vị trí sạt lở để xây dựng nhà ở mới); sắp xếp dân cư xen ghép với các khu vực đảm bảo an toàn và tạo quỹ đất xây dựng các khu tái định cư để bố trí nơi ở mới cho người dân.
Trong đó, tỉnh ưu tiên 2 hình thức bố trí dân cư tại chỗ và xen ghép, bởi đây là giải pháp có thể triển khai thực hiện được ngay, cuộc sống của người dân ít bị xáo trộn, kinh phí thực hiện thấp. Trong khi xây dựng các khu tái định cư thì cần nguồn vốn lớn, thời gian thực hiện kéo dài và sẽ làm xáo trộn, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Đến nay, đối với hộ dân bị sập đổ nhà ở đã có 310 hộ được bố trí đất ở, còn lại 36 gia đình đang tiến hành rà soát quỹ đất để bố trí sắp xếp. Đối với 755 hộ dân phải di dời khẩn cấp, đã tổ chức cho các hộ dân di dời đến nơi an toàn và hiện đã tìm được đất ở cho 692 hộ. Với 63 hộ dân còn lại, các địa phương đang tiếp tục rà soát quỹ đất để bố trí sắp xếp.
Trong giai đoạn 2024 – 2025, tỉnh Yên Bái dự kiến bố trí ổn định 546 hộ dân (những hộ cần xây dựng các khu tái định cư cấp bách để di dời do bão số 3) theo hình thức tập trung, với 8 dự án, tổng kinh phí khoảng 295 tỷ đồng.
Giai đoạn 2026 – 2030, số hộ cần bố trí ổn định dân cư vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai trên địa bàn tỉnh gần 5.000 hộ, tổng nhu cầu vốn để xây dựng các khu tái định cư cần khoảng gần 900 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thế Phước, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái cho biết lưu ý, việc lựa chọn địa điểm xây dựng các khu tái định phải đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, các quy định, đáp ứng các yêu cầu về phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn cho người dân không bị ngập lụt, sạt lở đất.
Nguồn: nongnghiep.vn