Từ ngày 9-14/9 do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề về nhà ở và sản xuất trên địa bàn huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Toàn huyện có 192 nhà bị sập, hư hỏng nặng, tốc mái; 28 nhà xưởng chế biến gỗ bị thiệt hại, trên 4.400 hộ dân phải di dời, trong đó có hơn 530 nhà bị ngập úng, hàng nghìn nhà có nguy cơ sạt lở; nhiều tài sản của người dân bị cuốn trôi, hư hỏng.
Sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trên 300ha lúa, 70ha rau màu, gần 100ha cây ăn quả bị ngập úng. Ngoài ra, trên 30.000 con gia súc, gia cầm và gần 400ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do lũ lụt, sạt lở đất… Ước tính thiệt hại trên 50 tỷ đồng.
Nguyên nhân chính dẫn đến những thiệt hại trên là do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3 gây mưa lớn kéo dài với lưu lượng lớn từ 100 đến hơn 200mm. Hồ thủy điện Thác Bà xả lũ hết công suất, có nhiều thời điểm xả trên 3.000 m3/s đã làm sông Chảy và các suối lũ lớn gây ngập úng, sạt lở đất, sập đổ, hư hỏng nhà ở, nhiều xưởng sản xuất, cây cối, hoa màu, vật nuôi bị thiệt hại…
Theo bà Hoàng Thị Duyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình, địa phương bị ảnh hưởng nặng nề do hoàn lưu bão số 3 gây ra, mưa lớn đã khiến nhiều nơi bị ngập lụt, hơn 1.300 điểm bị sạt lở đất đá, trong đó nhiều nơi có cung trượt lở lớn. Trong suốt thời gian bị ảnh hưởng bão số 3, Ban chỉ huy PCTT-TKCN huyện đã theo dõi bản tin dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời đến các thôn, bản và chủ động di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Đặc biệt, do nước lũ trên sông Chảy dâng cao, có thể phải phá đập phụ hồ thủy điện Thác Bà để đảm bảo an toàn, đã có hơn 3.000 hộ dân với trên 7.000 nhân khẩu ở các xã phía hạ du của huyện Yên Bình phải di chuyển khẩn cấp. Sau khi nước lũ rút, tình trạng hồ đập đảm bảo an toàn, phần lớn các hộ dân đã trở về nhà ổn định lại cuộc sống. Tuy nhiên, hiện nay vẫn nhiều hộ dân mất nhà do sạt lở hoặc nằm trong vùng nguy cơ cao vẫn đang phải đi ở nhờ, ở tạm, cuộc sống gặp khó khăn.
Để nhanh chóng ổn định cuộc sống cho người dân, UBND huyện đã triển khai rà soát, lập danh sách và hỗ trợ kinh phí cho các hộ có nhà đổ sập, lũ cuốn trôi hoàn toàn và nhà bị hư hỏng nặng. Từ ngân nguồn sách tỉnh cấp và các nguồn huy động khác đã hỗ trợ hơn 200 hộ dân khắc phục hậu quả với tổng kinh phí gần 9 tỷ đồng. Đến nay đã có 40 nhà san tạo nền, xây nhà mới, 95 nhà đã cải tạo tại vị trí cũ đảm bảo an toàn.
Ngoài ra, huyện Yên Bình đã xây dựng phương án bố trí nơi ở, đất ở cho các hộ dân theo điều kiện thực tế của địa phương. Đối với 125 hộ dân bị sập đổ hoàn toàn và hư hỏng nặng có thể hót sạt, bạt mái ta luy an toàn sẽ tiếp tục làm nhà ở tại chỗ, tạo điều kiện cho các hộ khắc phục. Hiện đã có nhiều hộ dân khởi công làm lại nhà, một số gia đình đang san tạo nền nhà. Công tác khắc phục dự kiến sẽ hoàn thành xong trong tháng 11/2024.
Đối với 146 hộ không thể khắc phục tại chỗ phải di dời, bố trí đất ở làm nhà nơi khác, nhà nước sẽ hỗ trợ kinh phí và xã hội hoá giúp các hộ làm nhà trong trường hợp có đất ở tự bố trí. 85 hộ dân có đất nông nghiệp phù hợp quy hoạch sẽ khẩn trương hỗ trợ làm hồ sơ chuyển mục đích sang đất ở và hỗ trợ kinh phí để làm nhà.
Đặc biết, huyện Yên Bình đã xây dựng phương án bố trí di dân tái định cư cho 54 hộ thuộc trường hợp phải di dời mà gia đình không tự bố trí được đất làm nhà. Huyện đã đề xuất với tỉnh xây dựng 6 dự án tái định cư tại các xã Phúc Ninh, Yên Thành, Tân Hương, Bảo Ái, Tân Nguyên và thị trấn Thác Bà.
Bà Hoàng Thị Duyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình cho biết thêm, để đảm bảo an toàn lâu dài cho các hộ dân ở các khu vực nguy cơ sạt lở ở hạ du vùng hồ thủy điện Thác Bà và các điểm sụt sạt nguy hiểm, huyện đã kiểm tra, rà soát và đề xuất bố trí di dân tái định cư cho các hộ có nhà bị sập, hư hỏng nặng, nhà có nguy cơ sạt lở mà gia đình không tự bố trí được đất làm nhà. Dự kiến dự án này sẽ tái định cư cho khoảng 200 hộ dân được xây dựng tại tổ 3 thị trấn Thác Bà, hiện địa phương đang trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
Ngoài ra, UBND huyện Yên Bình kiến nghị Công ty Cổ phần Thủy điện Thác Bà và Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Thủy điện Thác Bà 2 lập dự án bảo vệ bờ sông Chảy, trong đó có phương án xây kè chống sạt lở đất bờ sông để đảm bảo an toàn cho người dân sống ven sông.
Nguồn: nongnghiep.vn